Chiều 10/8, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo “nóng” kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020. Kỳ thi được đánh giá đặc biệt nhất lịch sử vì diễn ra trong đợt dịch Covid-19.

17h15: Cả nước có 38 thí sinh bị đình chỉ thi. Số lượng bị đình chỉ thi giảm rõ rệt so với năm ngoái (năm 2019 có 71 thí sinh bị đình chỉ).

Mở đầu buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đây là kì thi đặc biệt nhất lịch sử.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay lại, việc quyết định tổ chức kì thi là thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương tổ chức kì thi, đến thời điểm này an toàn theo kế hoạch.

Cả nước có hơn 26.000 thí sinh (chiếm 2,92%) do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa tham gia kỳ thi đợt 1 và phải thi đợt 2. Đến nay chưa phát hiện đến gian lận thi có tổ chức.

Họp báo "nóng" về kỳ thi tốt nghiệp THPT "đặc biệt nhất lịch sử"
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tại buổi họp báo “nóng” sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đây là kỳ thi đặc biệt nhất lịch sử nên áp lực rất lớn.

Theo đó, kỳ thi này phải đạt mục tiêu kép, vừa nghiêm túc, đúng quy chế nhưng an toàn phòng dịch.

Kỳ thi năm nay, cả nước có hơn 26.000 thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tham dự kỳ thi này, thí sinh được đeo khẩu trang trong phòng thi để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Do đó, tại các điểm thi, Thứ trưởng đề nghị cán bộ làm thi tăng cường nhắc nhở, giám sát chặt chẽ thí sinh để phát hiệu các biểu hiện lạ, tránh tình trạng lợi dụng việc đeo khẩu trang để gian lận.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia, rất nhiều các đại học lấy kết quả này để tuyển sinh nên tính cạnh tranh cao, cả xã hội quan tâm, giám sát.

Vì thế, mỗi cán bộ thi cần làm đúng chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc thực hiện công việc nhưng không căng thẳng hay gây căng thẳng cho thí sinh”, Thứ trưởng nói.

17h30: Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết ngay trong ngày mai (11/8) một số thí sinh ở 3 tỉnh là Bắc Ninh, Điện Biên và Bình Phước sẽ được tổ chức thi lại do lỗi của giám thị.

Liên quan đến vụ việc, 18 cán bộ coi thi đang bị xem xét xử lý do chưa thực hiện đúng quy chế thi.

Ngoài 3 địa phương trên, Hội đồng thi Quảng Ninh cũng có sự cố in sao thiếu đề thi cho thí sinh khiến thí sinh bị ảnh hưởng đến thời gian làm bài thi.

Nhưng Hội đồng này đã xử lý theo hướng, cho thí sinh làm bù giờ đúng bằng thời gian thiếu nên thí sinh không phải thi lại.

17h40: Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác chấm thi sẽ được tổ chức như thế nào để an toàn phòng chống dịch cho các giáo viên chấm thi?

Ông Mai Văn Trinh trả lời:

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, công tác coi thi đến thời điểm này được đánh giá nghiêm túc.

Các điểm thi ở các địa phương không khiến thí sinh phải di chuyển xa, không gây áp lực về giao thông.

Ông Mai Văn Trinh cho biết, sau khi kết thúc kỳ thi, trừ Đà Nẵng, 62 tỉnh/ TP đều đã chuẩn bị các điều kiện để chấm thi.

Bộ GD&ĐT khẳng định, đủ thời gian cho các tỉnh lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đảm bảo việc chấm thi đúng tiến độ, chất lượng.

Việc tổ chức kỳ thi được thực hiện trong bối cảnh bình thường mới nên khi dịch Covid-19 được khống chế tốt và các địa phương báo cáo, Bộ GD&ĐT mới có phương án tổ chức kỳ thi đợt 2.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đợt 2 ở các địa phương trên tinh thần gọn nhẹ nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng.

Họp báo "nóng" về kỳ thi tốt nghiệp THPT "đặc biệt nhất lịch sử"
Các đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo tham gia buổi họp báo.

PV: Nếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc chấm thi sẽ bị đình lại thì sẽ xử lý như thế nào?

Việc công bố điểm thi sẽ được tiến hành sau khi kết thúc công tác chấm thi, bảo đảm về đời tư của thí sinh.

Dù có dịch Covid-19, vẫn phân tích phổ điểm và công bố như kế hoạch, không vì dịch mà cắt bớt đi một vài khâu của kỳ thi.

Mô hình công bố điểm thi dự kiến vẫn được tiến hành như năm ngoái.

17h45: Về nghi vấn câu hỏi có sai sót trong đề thi môn Giáo dục Công dân, ông Mai Văn Trinh cho biết, nội dung của câu hỏi này được lấy từ bài 4, trang 38 của Sách Giáo dục công dân hiện hành.

Họp báo "nóng" về kỳ thi tốt nghiệp THPT "đặc biệt nhất lịch sử"
Ông Mai Văn Trinh – Phó trưởng ban chỉ đạo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng

17h50: Chấm thi dự kiến diễn ra theo đúng lịch trình

Ông Mai Văn Trinh thông tin, công tác chấm thi được tiến hành theo lịch trình thời gian đã đề ra.

Trừ Đà Nẵng, hiện 62 tỉnh, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc chấm thi. Để phòng ngừa Covid-19, các địa phương đã tính toán cả khâu coi thi, chấm thi như khử khuẩn, đo thân nhiệt, trang bị cồn rửa tay. An toàn về sức khỏe vẫn là vấn đề đặt lên hàng đầu.

Ngay từ ngày mai (11/8), việc chấm thi sẽ được tiến hành. Bộ đã có dự trù thời gian, cho những thành phố lớn nhất như Hà Nội, TP. HCM sẽ có đủ thời gian để chấm thi, đảm bảo chất lượng.

Năm nay, hơn 26.000 thí sinh phải thi đợt 2 vì dịch Covid-19, ông Mai Văn Trinh cho biết, tinh thần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra trong bối cảnh “bình thường mới”.

Khi nào các địa phương an toàn, khống chế được dịch Covid-19 mới tổ chức kỳ thi đợt 2 theo đề xuất tùy thời gian thuận lợi.

Thứ hai, dù tổ chức vào thời điểm nào, việc tổ chức thi, tuyển sinh lần 2 vẫn phải diễn ra an toàn, đúng quy chế nhưng đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu.

Công bố đáp án theo đúng tiến độ

Từ năm 2019, việc công bố đáp án sẽ được tiến hành theo tiến độ chấm thi để ngăn ngừa gian lận.

Việc công bố đáp án được dựa vào tiến độ chấm thi trắc nghiệm, tự luận. Lịch trình công bố điểm thi sau khi hoàn thành chấm thi.

Bộ tính toán, sắp xếp dữ liệu để không nghẽn mạng khi công bố điểm, tránh ảnh hưởng đến đời tư của thí sinh, hình thức công bố miễn phí.

Đặc biệt, việc công bố phổ điểm thi được tiến hành theo kế hoạch đã đề ra lúc đầu, không vì dịch Covid-19 mà bỏ đi khâu nào của kỳ thi.

17h55: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá: “Đây là năm học rất đặc biệt. Thay vì nghỉ học hoàn toàn, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương dạy học từ xa, học trực tuyến.

Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong bối cảnh một số địa phương còn giãn cách và nhiều thí sinh phải lùi kỳ thi sang đợt 2.

Tuy nhiên, việc tổ chức thi diễn ra chặt chẽ, được sự quan tâm của Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Các địa phương vào cuộc nhanh chóng, chuẩn bị kì thi kĩ càng.
Với hai mục tiêu, an toàn chống dịch đã được nâng lên một bước. Tại các điểm thi, các em được trực tiếp đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát trùng đầy đủ….

Mục tiêu thứ 2 của kỳ thi là tính nghiêm túc, đúng quy chế. Về điều này, quan điểm của Bộ, tất cả các trường hợp sai, phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết.

Tuy vậy, vẫn còn 38 em bị xử lý theo quy chế, trong đó có sử dụng điện thoại di động. Mặc dù đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng tôi cho rằng, các em mang điện thoại vào phòng thi là cố tình”.

Họp báo "nóng" về kỳ thi tốt nghiệp THPT "đặc biệt nhất lịch sử"

18h: Buổi họp báo “nóng” về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 kết thúc.

Hits: 0

Nguồn: Dân trí



Chia sẻ