Sau nhiều năm vào Việt Nam, việc kinh doanh không hiệu quả đã khiến nhà bán lẻ đến từ Pháp – Auchan Retail “ngậm ngùi” rút khỏi Việt Nam. Nhà bán lẻ này đã từng phải nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu tại Việt Nam. Nhưng việc đổi tên đã không giúp cho Auchan có một tương lai sáng hơn ở Việt Nam…

Đổi tên không đổi được vận

Sau 5 năm có mặt tại Việt với nhiều tham vọng, tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan Retail vừa xác nhận bán 18 cửa hàng tại Việt Nam. Mảng kinh doanh của họ tại Việt Nam đạt doanh thu 45 triệu euro (50,4 triệu USD) năm ngoái và vẫn đang thua lỗ.

Nguyên nhân rút khỏi thị trường Việt Nam được xác định chủ yếu do kết quả kinh doanh của Auchan không đạt kế hoạch, thua lỗ.

Tập đoàn này được biết đến là một nhà bán lẻ lớn nhất thế giới với gần 330.000 nhân viên có mặt trên 17 quốc gia, là nhà phân phối thực phẩm đứng hàng thứ 12 trên thế giới, hàng thứ 4 thế giới trong số các nhà phân phối lẻ có mặt trên nhiều quốc gia nhất với 4000 cửa hàng và với 67 % doanh số thu được đến từ các cửa hàng ngoài nước Pháp.

Nhà bán lẻ này đã phải nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu tại Việt Nam. Trước đây là S.Mart, sau đó được đổi thành Simply, nay là Auchan.
Nhà bán lẻ này đã phải nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu tại Việt Nam. Trước đây là S.Mart, sau đó được đổi thành Simply, nay là Auchan.

Năm 2012, “đại gia” này bắt đầu tấn công thị trường Việt Nam với việc chọn CT Group và Mipec làm đối tác chiến lược ở 2 miền Nam Bắc. Năm 2015, Auchan chính thức có mặt tại Việt Nam và tính đến thời điểm này đã mở được 20 đại siêu thị và siêu thị mini tại TP. HCM, Hà Nội và Tây Ninh.

Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Cuối năm ngoái, đại diện Auchan tại Việt Nam còn cho biết họ đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên 300 trong vòng bốn năm tới, tập trung ở hai khu vực chính là Hà Nội và TP.HCM.

Mặc dù tham vọng là rất lớn nhưng tính đến nay, số lượng siêu thị được đưa vào hoạt động tại Việt Nam là khá khiêm tốn, ít hơn nhiều so với các đối thủ như BigC hay Vinmart… Nhà bán lẻ này cũng đã phải nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu tại Việt Nam. Trước đây là S.Mart, sau đó được đổi thành Simply, nay là Auchan.

Tuy nhiên với việc phải ngậm ngùi rút khỏi thị trường sau khi đặt nhiều kỳ vọng thì xem ra đổi tên đã không khiến Auchan đổi được vận.

Quảng bá kém?

Khi kế hoạch bán lại chuỗi siêu thị Auchan ở Việt Nam được truyền thông đưa tin, khá nhiều độc giả cho biết họ chưa biết đến thương hiệu này. Phải chăng khâu quảng bá của Auchan chưa thyết phục?

Một độc giả gửi bình luận: “Mình tìm mua nhiều thứ trên website Auchan, mà cứ nghĩ Auchan không có ở Việt Nam, mãi cho tới khi vô tình đi qua trước siêu thị này mới biết nó có ở Sài Gòn. Phần lớn dân không biết đến siêu thị này thì bán hàng cho ai?”.

Thậm chí nhiều khách hàng cho biết họ không biết Auchan đến từ Pháp mà “nghĩ” nhà bán lẻ này có xuất xứ từ… Trung Quốc. Một số khách hàng khác đã từng đến hệ thống siêu thị Auchan còn cho biết, hàng hoá ở đây chưa được đa dạng và đặc biệt chỗ gửi xe khá hạn chế…

Việc phân tích nguyên nhân đẩy Auchan vào cảnh phải “bán mình” cần sự nhận định sâu sắc hơn từ giới chuyên gia cũng như chính những nhà quản trị của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, với những bình luận từ chính các khách hàng là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua, bởi họ chính là những người trực tiếp tạo nên thành công của một thương hiệu.

Bên cạnh những yếu tố tự thân như khâu quảng bá, sản phẩm hàng hoá thì cũng cần nói tới sự khắc nghiệt trong lĩnh vực bán lẻ. Bức tranh bán lẻ hiện đại theo ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái không màu hồng. “Lỗ” và “lỗ” là từ được vị này nhắc lại rất nhiều lần.

“Tất cả các siêu thị đều lỗ, các cửa hàng tiện ích càng lỗ. Thương mại điện tử cũng lỗ, doanh nghiệp lớn thì lỗ vài nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp nhỏ thì vài trăm tỷ đồng”, ông Phạm Đình Đoàn nói và cho biết cuộc đua “đốt tiền” đang diễn ra khốc liệt nhằm tranh giành thị phần.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết sự quá dồi dào và đa dạng của hàng hoá, cả nội địa và nhập khẩu, tạo ra sự dư tồn của doanh nghiệp buộc họ phải bán chấp nhận lỗ, tạo thành mặt bằng giá thấp cho hầu hết các các siêu thị.

Các doanh nghiệp muốn có lãi phải mua nhiều bán nhiều, mua rẻ bán rẻ. Theo đó, các cửa hàng tiện ích phải có khoảng 300 cửa hàng hay các siêu thị thì phải đạt số lượng từ 20 – 30 mới đạt đến điểm hòa vốn. Do đó, thời điểm gia nhập, phát triển thị trường, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn.

“Trừ rất ít doanh nghiệp có truyền thống lâu đời có lãi, còn doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm thì lỗ rất nhiều, kể cả doanh nghiệp nước ngoài”, ông Đoàn nói.

Views: 0

Tổng hợp từ Dân trí



Chia sẻ