Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: “Phải chuẩn bị nhân lực cho tình huống dịch lan rộng”
Tại buổi giao ban sáng 5/8, Quyền Bộ trưởng Y tế nhiều lần nhắc các địa phương dù chưa có dịch cũng phải lên kế hoạch chi tiết về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch Covid-19 lan rộng.
Trong buổi giao ban với Giám đốc Sở Y tế của 63 tỉnh, thành này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa nhấn mạnh tính chất phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần này, lây lan nhanh hơn trước, xuất hiện chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình. Vì thế, chúng ta phải hết sức khẩn trương, quyết liệt làm mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch.
“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong phòng chống dịch là ‘mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài’. Với ngành Y tế, chúng ta phải coi ‘mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu’”, GS Long nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Tại buổi giao ban, người đứng đầu ngành y tế cũng nhiều lần nhắc các địa phương phải khẩn trương truy vết F1 thật nhanh, tất cả đều phải được cách ly tập trung; các địa phương phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho tình huống dịch lan rộng, tập huấn các đội lấy mẫu, truy vết….
Theo GS Long, Đà Nẵng dù đã dồn toàn lực nhưng vẫn thiếu cán bộ y tế nên đang kêu gọi các địa phương khác hỗ trợ bác sĩ khám bệnh cho người dân trên địa bàn. Vì thế, các địa phương cần tập huấn cho cán bộ y tế đang làm việc, đã nghỉ hưu hay sinh viên đang theo học.
“Nếu không chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân lực rất lớn khi dịch xảy ra”, GS Long nói.
Nâng cao năng lực xét nghiệm cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ
TP HCM cho biết hiện công suất xét nghiệm trong một ngày của TP là 4.000-5.000 mẫu. Song quyền Bộ trưởng đề nghị TP làm thế nào để tăng công suất lên ít nhất 10.000 mẫu.
Đại diện ngành y tế TP HCM cho biết có 13 đơn vị đã được thẩm định có thể làm được xét nghiệm PCR, sẽ triển khai tiếp tại 10 bệnh viện và như thế “chắc chắn sẽ đạt được con số như quyền Bộ trưởng đặt ra”.
Quyền Bộ trưởng Y tế lưu ý các địa phương không cần chờ thẩm định với cơ sở đảm bảo an toàn sinh học học cấp 2. Chỉ cần có con người máy móc là đơn vị có thể thực hiện xét nghiệm PCR sàng lọc SARS-CoV-2. Chỉ những đơn vị cần khẳng định ca dương tính với cần thẩm định.
Bày tỏ quan ngại về năng lực xét nghiệm của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, GS Long đề nghị Viện Pasteur TP HCM khẩn trương hỗ trợ khu vực này.
Chẳng hạn như Sóc Trăng, đơn vị này đã lấy mẫu 4 mẫu nghi ngờ gửi đi Pasteur TP HCM. Vì thế, GS Long lưu ý Sóc Trăng cũng như các địa phương phải hết sức chủ động tăng cường năng lực xét nghiệm, xét nghiệm tại chỗ, trường hợp khó mới chuyển mẫu đi. Vì nếu đợi sẽ rất mất thời gian.
Về năng lực xét nghiệm còn hạn chế của Bình Định, Bộ Y tế sẽ đề nghị Viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn hỗ trợ tỉnh làm xét nghiệm PCR sàng lọc ca bệnh.
Cách ly, xét nghiệm tất cả những người ho, sốt, khó thở, cúm dù chưa có yếu tố dịch tễ
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nếu như trong giai đoạn trước Việt Nam không có bệnh nhân tử vong, chỉ có 2 thầy thuốc nhiễm Covid-19 thì trong giai đoạn này dịch diễn biến phức tạp, có 8 bệnh nhân tử vong, 9 cán bộ y tế lây nhiễm. Số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có thể được coi là ổ dịch lớn nhất hiện nay, 3 bệnh viện khác bị phong tỏa là Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ có một ca cũng liên quan Bệnh viện Đà Nẵng. Tương tự các ca mắc tại một số tỉnh thành đều có mối liên quan đến bệnh viện này như tại TP HCM, Quảng Nam, Hà Nội…
Vì thế, ông lưu ý tất cả những trường hợp ho, sốt, khó thở, cúm, dịch tễ rõ ràng hay chưa đều phải xét nghiệm, cách ly. Các bệnh viện cần cảnh giác ngay từ đầu, chỉ cần lọt bệnh nhân thì cơ sở đóng cửa, nhiều hệ luỵ đi theo, chưa nói dịch bệnh lây.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương phải phát hiện bằng được ca mắc mới từ các nhóm sau: Nguồn từ nước ngoài về địa phương, đặc biệt là nguồn nhập cảnh trái phép, trốn cách ly; Người đi từ địa phương có ca bệnh, đặc biệt là tiếp xúc gần, hết sức lưu ý những trường hợp F2, không được buông lỏng, phải kiểm tra, giám sát, có biểu hiện đưa đi cách ly.
Lập nhiều “hàng rào” bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Theo quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, điểm yếu nhất tại các bệnh viện là các khoa can thiệp, chạy thận nhân tạo, hồi sức, cấp cứu, ung thư… Dịch Covid-19 đánh đúng vào nhóm này thì số tử vong sẽ rất lớn. Nhiều bệnh nhân sống phụ thuộc vào máy móc đã mong manh, nhiễm thêm Covid-19 nữa sẽ rất khó.
“Chúng ta đang cố gắng kiểm soát tối đa con số tử vong tại Đà Nẵng. Vì thế, chúng tôi mong các địa phương lập nhiều hàng rào bảo vệ cho bằng được những đối tượng này, không cho người thăm nuôi, nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân toàn diện”, GS Long nhấn mạnh.
Hits: 0
Nguồn: Dân trí